Thực hiện dự thu lãi tiền vay trên Phần mềm Quỹ tín dụng nhân dân eFUND
Các tổ chức tín dụng nói chung và các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng đều phải thực hiện chế độ kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật. Do đó, việc tổ chức kế toán tại Quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo các nguyên tắc kế toán trong chuẩn mực kế toán số 01. Theo đó, mọi hoạt động giao dịch kinh tế liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, danh thu và chi phí được ghi nhận tại thời điểm phát sinh giao dịch, không quan tâm đến thời điểm thực tế thu hoặc chi tiền (Trích chuẩn mực kế toán số 01, 2002 – nguyên tắc kế toán theo cơ sở dồn tích)
Như vậy, sau khi giải ngân khế ước, bộ phận kế toán phải có trách nhiệm thực hiện dự thu hàng kỳ vào ngày cuối tháng các hợp đồng tín dụng thuộc nhóm 1 và chưa trả lãi tiền vay để đảm bảo đúng nguyên tắc kế toán “Cơ sở dồn tích”, phản ánh đúng doanh thu và chi phí từng kỳ của Quỹ tín dụng nhân dân.
Nguyên tắc hạch toán dự thu
Việc tính và hạch toán lãi phải thu (dự thu) được thực hiện theo Chế độ tài chính đối với QTDND. Cụ thể như sau:
- QTDND hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ xác định là có khả năng thu hồi cả gốc, lãi đúng thời gian và không phải trích dự phòng cụ thể theo quy định.
- Đối với số lãi phải thu đã hạch toán thu nhập nhưng đến kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi) khách hàng không trả được đúng hạn, QTDND hạch toán vào TK 809 “Chi phí khác” (mở tài khoản chi tiết: Chi phí về lãi đã hạch toán dự thu nhưng không chắc chắn thu được) và theo dõi ngoại bảng trên TK 941 “Lãi cho vay chưa thu được bằng đồng Việt Nam” để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào TK 702 “Thu lãi cho vay”.
- Đối với số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của các khoản nợ còn lại (nhóm 2, 3, 4, 5) không hạch toán dự thu lãi, đối ứng với thu nhập, QTDCS theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu (hạch toán vào TK 941 “Lãi cho vay chưa thu được bằng đồng Việt Nam”), khi thu được thì hạch toán vào TK 702 “Thu lãi cho vay”.
- QTDCS phải quy định cụ thể về ngày tính lãi dự thu hàng tháng (từ ngày 25 đến ngày 31) hoặc hàng Quý (từ ngày 25 đến ngày 31 của tháng cuối Quý); phương pháp hạch toán lãi dự thu khi chuyển nhóm nợ: hạch toán theo từng bút toán hoặc theo định kỳ tính lãi dự thu và phải đảm bảo tính nhất quán về phương pháp lựa chọn trong năm tài chính.
- Định kỳ hàng tháng/ Quý, vào ngày tính lãi dự thu, Kế toán QTDND lập Bảng kê tính lãi phải thu nội bảng (đối với nhóm nợ đủ tiêu chuẩn) và Bảng kê tính lãi phải thu ngoại bảng (đối với các nhóm nợ 2, 3, 4 và 5). Sau khi Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân hoặc người được ủy quyền kiểm tra tính chính xác và ký vào từng Bảng kê.
Phương pháp tính lãi dự thu
Quỹ tín dụng nhân dân áp dụng phương pháp tính lãi theo quy định tại Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN ngày 17/05/2001 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi của NHNN và các tổ chức tín dụng.
- Căn cứ tính lãi:
- Lãi suất: Căn cứ vào mức lãi suất cụ thể của loại cho vay được ghi trong hợp đồng tín dụng
- Số tiền: Số tiền làm căn cứ để tính lãi là số tiền thực tế đã cho khách hàng vay
- Thời gian: Có thể là ngày, tháng, quý hoặc năm và có loại tính theo giờ. Thời gian chuẩn tính theo lãi năm, tháng, ngày, giờ được quy ước như sau:
- Một năm có 360 ngày
- Một năm có 12 tháng
- Một tháng có 30 ngày (không phân biệt tháng có 28, 29, 30, hay 31 ngày)
- Một ngày có 24 giờ
- Nếu ngày thu lãi trùng vào ngày lễ, hay ngày nghỉ hàng tuần thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo
- Đối với những khoản tiền vay có thời hạn từ một ngày trở lên thì thời gian tính lãi được tính từ ngày vay và không tính ngày trả nợ
- Công thức tính lãi:
- Tính lãi theo tích số
- Phương pháp này áp dụng đối với các khoản tiền cho vay ngắn hạn theo hạn mức tín dụng: Cho vay thấu chi, cho vay dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng. Việc tính và thu lãi vào ngày cuối tháng hoặc ngày cụ thể do QTDND thỏa thuận với khách hàng.
- Số tiền lãi = ( ∑Tích số tính lãi trong tháng x Lãi suất tháng ) / 30
- ∑Tích số tính lãi trong tháng = ∑ (Tổng số dư nợ x số ngày dư nợ thực tế trong kỳ)
- Tính lãi theo món
- Áp dụng đối với các các khoản cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn theo món đã thỏa thuận.
- Số tiền lãi = Số dư nợ (hay số tiền trả nợ ) x Thời gian dư nợ (hay vay tiền) x Mức lãi suất áp dụng cho thời hạn vay
- Tính lãi theo tích số
Tuy nhiên, trong thực tế các Quỹ tín dụng nhân dân sử dụng công thức tính lãi theo tích số như cách tính lãi thông thường với mọi khoản vay. Việc tính lãi theo tích số lại được thực hiện theo cách tính lãi theo món.
Nghiệp vụ dự thu lãi tiền vay được thực hiện trên Phần mềm Quỹ tín dụng nhân dân eFUND đơn giản như sau:
- Truy cập vào chức năng theo đường dẫn sau: Tín dụng –> Hồ sơ tín dụng –> Dự thu lãi tiền vay
- Chọn sản phẩm, khu vực cần lấy khế ước, chọn danh sách khế ước cần thực hiện dự thu lãi, nhập điều kiện ngày tính lãi dự thu, điều kiện dự thu mở rộng, các nhóm nợ cần dự thu và thông tin giao dịch.
- Nhấn nút “Tính lãi” để tính số tiền lãi phải dự thu
- Nhấn nút “Lưu mới” để lưu thông tin giao dịch
- Nhấn nút “In bảng kê” để xem kết quả và in bảng kê lãi dự thu, bảng kê lãi phải thu nội bảng, bảng kê lãi phải thu ngoại bảng.
- Nhấn nút “In Giao dịch” để in chứng từ kế toán
- Những thông tin nhập liệu cần lưu ý:
- Chọn đúng điều cần lọc hợp đồng cần thực hiện dự thu.
- Lựa chọn nhóm nợ thực hiện dự thu, bao gồm dư thu hợp đồng trong hạn nhóm 1 và dự thu lãi theo dõi ngoại bảng (từ nhóm 2 đến nhóm 5)
- Nếu là dự thu đầu ngày thì thực hiện bước duyệt chứng từ dự thu. Nếu là thực hiện dự thu cuối ngày thì yêu cầu duyệt tất cả các giao dịch liên quan đến tín dụng trước khi thực hiện dự thu.
- Truy cập kiểm soát, tìm giao dịch dự thu chưa duyệt để kiểm tra lại thông tin và duyệt giao dịch
- Các phím tắt đặc biệt trên giao diện
- Ctrl + T: Tính lãi dự thu
- Ctrl + P: In bảng kê dự thu