Thái Bình: Hiệu quả của tín dụng trong xây dựng nông thôn mới
Thái Bình: Hiệu quả của tín dụng ưu đãi trong xây dựng nông thôn mới
Trong thực hiện các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế ở các địa phương thời gian qua, các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện có vai trò hết sức quan trọng. Từ nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống. Đây được coi là một trong những giải pháp để góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Thông qua 6 chương trình tín dụng, vay vốn ưu đãi của Chính phủ mà Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đang thực hiện bao gồm: chương trình cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường đã và đang góp phần tích cực vào thực hiện công tác an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân nông thôn. Đây là một trong các giải pháp tích cực giúp các địa phương thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư được thụ hưởng hơn 5 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình này. Những hộ nghèo có được vốn để phát triển sản xuất và thoát nghèo, nhiều công trình thuộc dự án nước sạch và vệ sinh môi trường được đầu tư giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Theo ông Hoàng Văn Khảng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư: Nguồn vốn cho vay ưu đãi này có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, và trong thực hiện bộ tiêu chí quốc gia. Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, cải tạo hệ thống nước sinh hoạt cho nhân dân. Tiêu chí nước chính là 1 trong 19 tiêu chí cần đạt được.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến nay, thông qua chương trình tín dụng đã có trên 4.500 hộ nghèo được vay vốn, cho vay giải quyết việc làm cho hơn 900 người, xây dựng được 3.560 công trình nước sạch và vệ sinh. Khoảng 69.000 học sinh, sinh viên được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Tổng dư nợ các chương trình đến nay đạt gần 2.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này người dân có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, mua cây giống, con giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài ra, người dân còn sử dụng vốn để mua máy cày, máy tuốt lúa. Ngân hàng đã cho vay tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới của Thái Bình. Ông Tạ Tiến Khẩn, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Thái Bình cho biết: đối với 8 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chúng tôi đầu tư trên 53 tỷ đồng, mua máy móc thiết bị trên 3 tỷ đồng, giải quyết an sinh xã hội 39 tỷ đồng.
Để tiếp tục góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở dân cư và cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đang chú trọng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, tiếp tục thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đó giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có cơ cấu lao động nông thôn hợp lý để xây dựng nông thôn mới có hiệu quả tại các địa phương.
( trích congthongtindientuthaibinh)