Cạnh tranh ngân hàng: Đặc quyền bớt cô đặc
Cạnh tranh ngân hàng: Đặc quyền bớt cô đặc
Nhưng chuyển động mới cho thấy cấu phần đặc quyền trong cạnh tranh ngân hàng bước đầu có thay đổi…
Chỉ trong vòng một tuần gần đây, khối ngân hàng thương mại cổ phần có hai sự kiện rất đáng chú ý, điển hình cho một thay đổi về cạnh tranh.
Sự kiện thứ nhất: Bộ Tài chính vừa có văn bản giao một ngân hàng thương mại cổ phần (không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước) làm cơ quan cho vay lại một nguồn vốn rất lớn mà không chịu rủi ro tín dụng cho các dự án điện.
Dự kiến ngân hàng trên sẽ sớm công bố thông tin chính thức. Còn trong hoạt động chung, đây là lần đầu tiên ghi nhận một ngân hàng tư nhân được tham gia và triển khai nguồn vốn này đến các doanh nghiệp/khách hàng lớn.
Sự kiện thứ hai: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa có thông cáo trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên có mạng lưới chi nhánh phủ kín tất cả 63 tỉnh/thành trên cả nước.
Trong thông cáo có đề cập đến chi tiết rất đáng chú ý: một trong những mục tiêu LienVietPostBank mở mạng rộng như vậy là để tạo hạ tầng, công nghệ và dịch vụ quản lý các điểm giao dịch đến tận phường, xã, phục vụ cho việc chi trả bảo hiểm xã hội.
Thông cáo không nêu chi tiết, nhưng đó là sự kiện cực hiếm từ trước tới nay: các ngân hàng cổ phần tư nhân gần như chưa bắt tay được với bảo hiểm xã hội, liên quan đến dòng tiền và hoạt động chi trả một cách mở rộng nói trên.
Cả hai sự kiện này đều điển hình cho thay đổi, trong một khía cạnh cạnh tranh, đang dần có giữa khối ngân hàng thương mại nhà nước với khối ngân hàng thương mại cổ phần. Trong đó, cách biệt suốt những năm qua là ưu thế như một đặc quyền thuộc về khối ngân hàng thương mại nhà nước về tiếp cận nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn từ bảo hiểm xã hội, về triển khai các chương trình tài trợ trọng điểm quốc gia, hay từ nguồn tài trợ quốc tế cho vay lại…
Ưu thế nguồn vốn, ưu thế được lựa chọn hợp tác và triển khai nói trên tạo thuận lợi đáng kể cho các ngân hàng thương mại nhà nước trong cạnh tranh.
Đó là, nguồn tiền gửi ngân sách nhà nước (qua Kho bạc Nhà nước), từ Bảo hiểm Xã hội… có quy mô lớn, hoặc có giá trị về chi phí như tiền gửi thanh toán lãi suất thấp, tạo lợi thế riêng có về nguồn, thậm chí cả lợi thế về cạnh tranh lãi suất cho vay.
Trong năm 2015, một điểm mở tưởng như rộng là nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cùng nhập cuộc tham gia dịch vụ thu ngân sách. Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện một số thành viên, thực tế họ chủ yếu phục vụ khách hàng của mình là chính, còn nguồn tiền không được đọng lại, mà kết chuyển ngay về tài khoản mẹ đặt tại các ngân hàng thương mại nhà nước.
Bên cạnh lợi thế về nguồn vốn, các ngân hàng thương mại nhà nước gần như có đặc quyền trong triển khai các hoạt động tài trợ từ các nguồn vốn lớn, các dự án trọng điểm quốc gia, nguồn tài trợ quốc tế… Điều này giúp họ mở rộng hơn, củng cố hơn các quan hệ khách hàng với các doanh nghiệp lớn, mà xoay quanh là nhiều sản phẩm, dịch vụ khác cùng phát triển.
Với hai sự kiện điển hình trên, cũng như đang định hình thêm một số sự kiện dự kiến được công bố thời gian tới, đặc quyền nhiều năm qua của khối ngân hàng thương mại nhà nước đang dần bớt cô đặc như trước.
Ở chuyển động chính sách cũng vậy. Gần đây Chính phủ đã có hướng mở đáng chú ý. Đó là việc ban hành các nghị định về việc sử dụng vốn nhàn rỗi của ngân sách (qua Kho bạc Nhà nước), nguồn vốn của Bảo hiểm Xã hội, trong đó có cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân được tiếp cận, qua hoạt động tiền gửi.
Tất nhiên, cơ chế đặt ra các điều kiện về lợi ích lãi suất, về tiêu chí an toàn, hiệu quả dịch vụ…, và còn chờ thêm những ghi nhận trên thực tế.
Dù chưa rõ rệt và mở rộng, nhưng những chuyển động như hai sự kiện điển hình trên là những khởi đầu cho sự bớt cô đặc trong một đặc quyền cạnh tranh từng nghiêng hẳn về một phía bao lâu nay.
(trích vneconomy)