Ông Bùi Kiến Thành: Đừng chặt dây, khóa cửa với người dân!
Ông Bùi Kiến Thành: Ngân hàng đừng chặt dây, khóa cửa với người dân!
Ngân hàng nhà nước không bắt buộc phải chấm dứt giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vào ngày 1/6, hãy cứ giải ngân đến lúc hết tiền, không nên làm khó người dân.
Để được hưởng lãi suất ưu đãi sau khi gói 30.000 tỷ đồng ngừng giải ngân vào ngày 1/6 tới đây, nhiều người mua nhà theo gói này làm đơn gửi lên chủ đầu tư đề xuất doanh nghiệp ra quyết định yêu cầu khách hàng nộp tiền sớm, trước thời điểm 1/6/2016.
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia tài chính-ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng, người mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng không cần phải làm như vậy. Cơ quan Nhà nước, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước có quyền quyết định, họ không cần bắt buộc phải chấm dứt giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vào ngày 1/6/2016.
“Vấn đề lãi suất đã được nói từ lâu, ngay từ khi mới đặt ra gói 30.000 tỷ đồng. Đó là lãi suất ban đầu thấp sau đó dần nâng lên cao là cái bẫy cực kỳ nguy hiểm. Nhử người ta vào lãi suất thấp rồi sau bao nhiêu năm lại nâng lên thì làm sao người mua nhà trả nổi. Người đi vay mua nhà không có khả năng chi trả, bị vỡ nợ, hợp mua nhà bị phá vỡ, hợp đồng cho vay cũng không thể trả lại được, biến thành nợ xấu.
Chính vì thế, tôi cho rằng ngân hàng nhà nước và Chính phủ cần phải xem lại gói 30.000 tỷ đồng để tạo mọi điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn này với lãi suất ưu đãi suốt 15 năm, không phải đến 1/6/2016 là thôi. Ngoài ra, đối với gói 30.000 tỷ đồng có thể giải ngân bất kỳ lúc nào, miễn là còn tiền, bởi ở đây chỉ có 30.000 tỷ đồng, không có gì là quá ghê gớm, việc gì ngân hàng nhà nước phải cứng nhắc. Chúng ta tạo điều kiện cho người dân mua nhà chứ đâu phải tạo điều kiện cho người dân phá sản? Nếu làm như hiện nay người dân sẽ bị thiệt thòi, nhiều ngân hàng cũng như nhiều người dân bị phá sản”, ông Bùi Kiến Thành chỉ rõ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, các tổ chức, hiệp hội cần có kiến nghị với ngân hàng nhà nước để xem xét lại quyết định của mình, tránh đi vào vết xe đổ của Mỹ. Ở Mỹ đầu những năm 2001 trở đi, chính phủ để thị trường bất động sản muốn làm gì thì làm. Nhà đầu tư đã khuyến khích dân chúng mua nhà và ưu đãi lãi suất chỉ khoảng 3%-3,5%, thậm chí là 2% và lãi suất chỉ cố định trong ba năm đầu. Ngay cả những người không có khả năng chi trả cũng cứ vay.
Sau ba năm lãi suất tăng lên, hàng triệu người Mỹ không có tiền trả lãi. Trong khi từ các hợp đồng này họ đã phát hành trái phiếu phái sinh được đảm bảo bằng các tài sản bất động sản bán đi. Hàng ngàn nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu phái sinh gặp nạn. Người mua nhà không có khả năng trả nợ gốc và lãi khiến Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới mà nguyên nhân do thị trường bất động sản gây ra.
“Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ những nước đi trước, đừng làm gì khó khăn cho người dân. Đây là gói dành cho người thu nhập thấp, họ chỉ có thể trả được với lãi suất bấy nhiêu mà thôi, nếu phải trả cao hơn họ sẽ không đủ tiền ăn, không đủ tiền cho con đi học, kéo theo rất nhiều vấn đề khác… Ngân hàng nhà nước phải có tinh thần cầu thị, giúp đỡ cho bà con, không thể chặt dây, khóa cửa đối với người dân”, ông Bùi Kiến Thành bày tỏ.
Cũng liên quan đến ý tưởng lách luật nói ban đầu để người mua nhà được hưởng ưu đãi vay gói 30.000 tỷ đồng, trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua nhà.
Theo đó, cái lợi trước mắt người mua nhà thấy được chính là họ sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi cho các khoản giải ngân trước ngày 1/6/2016. Vì hầu hết đối tượng tìm đến gói vay 30.000 tỷ là người nghèo, người có thu nhập thấp. Còn hiểm họa tiềm ẩn đằng sau là nếu sau khi chấp nhận giải ngân nhanh hơn tiến độ thi công lỡ chủ đầu tư nhận tiền nhưng không tiếp tục xây dựng mà sử dụng tiền vào mục đích khác hoặc bàn giao nhà nhưng chất lượng không như cam kết ban đầu thì người mua nhà lãnh phần thiệt.
Cũng theo ông Đực, sau thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi thì người mua nhà sẽ phải trả lãi theo lãi suất thị trường. Điều này sẽ khiến kế hoạch trả nợ dài hơi của họ bị đảo lộn. Không loại trừ nhiều trường hợp người mua không kham nổi lãi suất đành phải trả nhà và khi đó chủ đầu tư “cực chẳng đã” mới thanh lý hợp đồng.
(Theo vietstock)