Từ nay đến cuối năm người gửi tiền khó được hưởng lãi suất cao, vì sao?

Từ nay đến cuối năm người gửi tiền khó được hưởng lãi suất cao, vì sao?

Từ nay đến cuối năm người gửi tiền khó được hưởng lãi suất cao, vì sao?

lai suat ngan hang ruc rich tang

Lãi suất huy động vừa được một vài ngân hàng điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn, mức tăng từ 0,1-0,4%, tuy nhiên có quá nhiều lý do để người gửi tiền phải tin rằng từ nay đến cuối năm lãi suất sẽ khó tăng cao.

Lãi suất rục rịch đi lên

Trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7, nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm thậm chí có ngân hàng nâng lãi suất tới 2 lần.

Chẳng hạn từ đầu tháng 7, VPBank tăng thêm 0,3% đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 5 – 12 tháng; tăng thêm 0,2% kỳ han 12 tháng và 0,1% với kỳ hạn 15 tháng. Đến ngày 6/7, ngân hàng này tăng thêm 0,1% ở một số kỳ hạn.

Sacombank nâng lãi suất thêm 0,1 – 0,2% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng còn kỳ hạn từ 7 tháng trở lên tăng 0,2 – 0,4% trong đó kỳ hạn 7-11 tháng tăng mạnh nhất.

Các ngân hàng như OCB, TPBank, Eximbank, VIB, Techcombank cũng tăng lãi suất từ 0,1 – 0,3%. Ngay cả ông lớn Vietcombank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất cho các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng thêm 0,1%.

Đáng chú ý, nếu gửi tiết kiệm online, các ngân hàng hầu hết cộng thêm 0,1-0,3% lãi suất cho người gửi. Lãi suất cao nhất hiện ở mức hơn 8% cho kỳ hạn dài trong khi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến từ 5-5,5%/năm.

Một chuyên gia cho biết, việc tăng lãi suất là do thiếu hụt thanh khoản tạm thời của một vài ngân hàng. Khi ngân hàng này nâng lãi suất, ngân hàng khác cũng nhìn theo với mục đích giữ khách song đây không phải xu hướng của hệ thống, cũng không phải dấu hiệu gì đáng lo ngại.

Ngoài ra, việc các ngân hàng nâng lãi suất ở các kỳ hạn trên 6 tháng còn để hút khách gửi kỳ hạn dài hơn, giúp ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn, nhất là khi Thông tư 06 của NHNN sửa đổi Thông tư 36 quy định từ 1/1/2017 các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 50%.

Nhiều lý do ngăn lãi suất tiết kiệm tăng cao

Khoảng 2 tháng trở lại đây, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung khá dồi dào. Điều này thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, sau một thời gian duy trì chính sách nới lỏng, nay Ngân hàng Nhà nước đã hút tiền về khi chỉ trong tuần vừa rồi đã có 21.000 tỷ đồng được hút ròng thông qua kênh tín phiếu. Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Bảo Việt thì đây là điều kện thuận lợi để các ngân hàng thương mại giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, ít nhất là trong ngắn hạn, bất chấp rủi ro lạm phát đang dần gia tăng.

Trong khi đó hoạt động tín dụng – đem lại hơn 70% lợi nhuận cho ngân hàng –dự đoán sẽ kém sôi động hơn ở một số ngân hàng do 6 tháng đầu năm đã dùng hết chỉ tiêu được cấp. Năm nay NHNN đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% cho toàn ngành nhưng cũng sẽ siết chặt chỉ tiêu với từng nhà băng, các ngân hàng không dễ gì xin được “nới room”.

Ngoài ra, Trái phiếu Chính phủ (TPCP) được đánh giá là kênh đầu tư vừa an toàn tuyệt đối lại vừa có lợi suất cao với khách hàng chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Nhưng thời gian qua, kênh này lại hút khách hơn dự đoán nên đến thời điểm này Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành 76% kế hoạch phát hành TPCP cho cả năm (kế hoạch phát hành mới được điều chỉnh tăng thêm 30.000 tỷ đồng, đưa tổng mức phát hành dự kiến cho cả năm nay lên 250.000 tỷ đồng).

Khi những đầu ra quan trọng của dòng vốn là đầu tư vào TPCP bị thắt lại và “room” cho tín dụng khó nới, ngân hàng chắc chắn cũng không vội tăng lãi suất để huy động.

Ấy là chưa kể còn 5 tháng nữa các điều khoản của Thông tư 36 sửa đổi sẽ có hiệu lực gồm nâng hệ số rủi ro với bất động sản từ 150% lên 200% và hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% hiện nay xuống 50%, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc kỹ hơn giữa dòng tiền vào và ra sao cho hiệu quả nhất khi tín dụng bị siết chặt hơn.

Thêm vào đó, các ngân hàng còn đang có nguồn huy động được vốn dài hạn để vừa giúp có vốn sản xuất kinh doanh lại vừa có thể đảm bảo được các chỉ tiêu về an toàn vốn đó là phát hành trái phiếu. Chẳng hạn mới đây, ngân hàng ACB đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất bằng bình quân lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank và Agribank cộng thêm 2%, trong đó kỳ lãi suất đầu tiên 30/6/2016-30/6/2017 là 8,5%. Hay ngân hàng Quốc Dân (NCB) cũng lên kế hoạch phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền với kỳ hạn 3 năm, lãi suất tối đa 9,5%.

Đánh giá về khả năng tăng lãi suất huy động, các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát tăng lên sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất, tuy nhiên cũng sẽ không có đột phá nào đáng chú ý. Trong báo cáo mới nhất, công bố ngày 11/7, các chuyên gia đến từ HSBC cho rằng lạm phát sẽ tăng do cầu nội địa dồi dào và tăng trưởng tín dụng tốt, nhưng phải đến năm 2017 thì lạm phát mới đáng lo ngại hơn. Ngân hàng này cho rằng NHNN sẽ giữ lãi suất cho đến tận quý 3 năm tới.

(trích Trí Thức Trẻ)

Share this post